Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa Lily

Lily là một loài hoa đẹp và phù hợp sử dụng trong mọi hoàn cảnh như lễ tết, cưới hỏi, thờ cúng… Đặc biệt, vào dịp tết đến xuân về, Lily còn được dùng để cắm hoặc trồng làm chậu cảnh trong nhà. Đặc tính của hoa là nở to, hoa bền, có đa dạng màu sắc và mùi hương. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa Lily.

Các giống hoa Lily được trồng phổ biến hiện nay:

Lily là loài hoa được trồng quanh năm ở nước ta, đặc biệt là những nơi có khí hậu mát mẻ như Đà Lạt. Hầu như các giống Lily hiện nay đều chưa tự sản xuất mà phải nhập về từ Hà Lan. Theo Viện Nghiên cứu Rau quả khảo nghiệm, những giống hoa Lily phù hợp sinh trưởng trong điều kiện Việt Nam là:

Dòng hoa Mùi thơm Chiều cao (cm) Số hoa/cây Màu hoa, đặc điểm lá Số ngày sinh trưởng
Sorbonne Lily thơm 85 – 100 3 – 7 hồng nhạt, lá nhỏ 95 – 100
Acpulco 95-110 4 – 7 hoa hồng đậm có đốm chấm đỏ, lá to 95 – 100
Tiber 80 – 100 4 – 6 hoa hồng nhạt, lá nhỏ 85 – 100
Belladonna 85 – 100 3 – 5 hoa màu vàng, lá to 80 – 90
Concador 85 – 90 4 – 7 hoa màu vàng, lá to 82 – 88
Curly 70 – 85 3 – 5 hoa màu hồng đậm, lá thuôn nhọn 75 – 90
Golden Tycoon Lily không mùi 60-90 3 – 5 hoa màu vàng cam, lá to 65-70
Freya 60-90 3 – 4 hoa màu vàng chanh, lá to 65-70

Thời vụ phù hợp để hoa Lily phát triển tốt:

Lily là loài hoa chịu rét khá, chịu nóng kém, ưa thích khí hậu mát ẩm với nhiệt độ ban ngày khoảng 20 – 25 độ C, ban đêm là 12 – 15 độ C. Các giống Lily lai phương Đông có thể chịu được nhiệt cao hơn một chút, ban ngày từ 25 – 28 độ C, ban đêm từ 18 – 20 độ C. Nếu nhiệt độ dưới 12 độ C, cây sẽ sinh trưởng kém, hoa dễ bị mù.

Đối với đồng bằng sông Hồng, miền Bắc và miền Trung sẽ có hai vụ chính. Vụ thu đông trồng khoảng tháng 9 – tháng 10 và thu hoạch dịp Tết. Vụ đông xuân trồng vào tháng 11 – tháng 12 để thu hoạch vào khoảng tháng 3. Tại nước ta, Đà Lạt là nơi có khí hậu thuận lợi nhất để trồng hoa Lily quanh năm.

Chuẩn bị trước khi trồng hoa Lily:

Chuẩn bị nhà che:

Hoa Lily và nhiều loài hoa khác tương đối mỏng manh, cánh và lá hoa dễ dàng bị dập nát sau một trận mưa lớn. Do vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế và giảm thiểu các tác động từ môi trường, người trồng nên trồng hoa trong nhà có mái che như nhà lưới hiện đại, dùng lưới che nắng hoặc nhà mái che tạm tùy theo điều kiện canh tác.

Chuẩn bị đất trồng và giá thể:

Đất trồng Lily tốt nhất là đất trồng luân canh lúa nước hoặc những cây ngũ cốc như ngô, khoai. Bạn không nên trồng trên những ruộng trồng cây cùng họ như hành, tỏi…, cây trồng cần bón nhiều phân, phun nhiều thuốc trừ sâu như hoa đồng tiền, rau màu.

Đất cần được cày và phơi oải. Người trồng có thể khử trùng đất bằng Foocmalin 40% hoặc ngâm đất bằng nước không quá ô nhiễm trong 48 giờ rồi tháo sạch.

Giá thể tốt nhất để trồng hoa Lily là đất, xơ dừa (hoặc mùn cưa gỗ tạp) và phân chuồng hoai mục với tỷ lệ về thể thích là 2:2:1. Các nguyên liệu làm giá thể cũng cần khử sạch trước khi đưa vào trồng trọt.

Lựa chọn củ giống:

Hầu hết củ giống Lily được trồng tại nước ta nên lựa chọn đơn vị cung cấp giống uy tín để cho hoa và lá khỏe mạnh, có sức sống và nở đẹp. Thông thường, củ càng lớn thì càng nhiều hoa nhưng lá dễ bị cháy. Do vậy, bạn nên chọn củ có kích thước trung bình theo từng giống.

Kỹ thuật trồng hoa Lily đơn giản:

Trồng trong luống:

  • Kích thước luống: mặt luống rộng 1m trồng 5 hàng, chiều cao của luống từ 10 – 12cm.
  • Mật độ trồng cây: tùy theo kích thước củ mà người trồng sẽ để mật độ khác nhau. Ví dụ, củ chu vi 18/20cm nên trồng ở mật độ 25 củ/m2, khoảng cách 20 x 20cm giữa các củ.
  • Khi đã cố định củ, người trồng phủ đất dày 8 – 10cm và tưới đẫm nước.

Trồng trong chậu:

  • Chậu sử dụng để trồng Lily có thể là chậu nhựa, sứ với chiều cao tối thiểu 30cm, có lỗ dưới đáy để thoát nước.
  • Với chậu đường kính 26cm có thể trồng 3 củ/chậu; đường kính 35cm có thể trồng được 5 củ/chậu.
  • Bạn vùi củ vào giá thể và phủ đất dày 8 – 10cm. Sau khi phủ đất bạn cần tưới đẫm nước cho chậu.

Cách chăm sóc hoa Lily:

Kiểm tra rễ hoa Lily:

Sau khi củ trồng được 10 – 12 ngày, người trồng cần bới đất phía dưới của một số cây để quan sát sự phát triển của rễ. Nếu rễ Lily màu trắng, tỏa đều xung quanh gốc là cây đang phát triển bình thường. Nếu rễ có màu lạ thì bạn cần tìm hiểu một số bệnh và nấm để khắc phục kịp thời.

Kiểm soát độ ẩm cho cây:

Khi trồng Lily, bạn cần giữ cho đất luôn được ẩm. Hoạt động tưới nên tưới trực tiếp vào đất xung quanh gốc, hạn chế tưới từ nụ xuống lá rồi xuống phần gốc. Sau khi bón thúc và xới lấp đất trồng, bạn nên phủ rơm rạ lên mặt luống để đất giữ ẩm tốt hơn.

Bón phân cho hoa Lily:

Sau khi hoa Lily trồng được 21 ngày, cây đạt chiều cao 15 – 20cm, bạn tiến hành xới và bón thúc lần đầu. Loại phân bón thúc cho hoa của Phân bón hữu cơ Lào Cai và mỗi giai đoạn sẽ bón các loại phân bón hữu cơ.

Trong lần bón đầu tiên bạn có thể rắc nguyên hạt rồi dùng đất xới để lấp phân. Những lần bón tiếp theo, bạn cần hòa tan vào nước và tưới ở vùng đất quanh gốc.

Thời điểm bón phân như sau:

  • Lần bón thúc đầu tiên sau khi cây trồng được 21 ngày: Sử dụng phân bón hữu cơ với lượng 2kg/100m2.
  • Lần bón thứ 2 sau lần 1 từ 7 – 10 ngày: Lượng bón cho 100m2:  0.2kg.
  • Lần bón thứ 3 khi cây sắp xuất hiện nụ: Lượng bón cho 100m2: 0.3kg.
  • Lần bón thứ 4 khi cây bắt đầu ra nụ: Lượng bón cho 100m2: 0.2kg.
  • Lần bón thứ 5 trog giai đoạn nuôi hoa: Lượng bón cho 100m2: 4kg.
  • Lần bón thứ 6 sau lần 5 từ 7 – 10 ngày: Lượng bón cho 100m2: 4kg.

Bên cạnh bón phân, để nâng cao chất lượng hoa và lá, người trồng có thể phun phân bón lá, thuốc kích thích sinh trưởng nồng độ khuyến nghị theo nhà sản xuất.

Kiểm soát thời gian nở hoa Lily:

Trong trường hợp bạn dự đoán hoa có thể chưa đạt chất lượng nụ khi thu hoạch vào thời điểm đích thì có thể dùng nilon quây kín ruộng và thắp điện ấm vào ban đêm hoặc phụ chế phẩm đầu trâu 902. Biện pháp này sẽ giúp mầm, nụ và lá phát triển nhanh hơn, rút ngắn thời gian sinh trưởng từ 3 – 6 ngày.

Nếu bạn cần kéo dài thời gian sinh trưởng và cho hoa nở muộn, bạn cần hạ nhiệt độ, giảm ánh sáng, hạn chế tưới nước cho cây. Khi vận chuyển, bạn có thể đặt cây vào kho lạnh khoảng 12 – 15 độ C.

Phòng trừ sâu bệnh và nấm hại cho hoa Lily:

Hoa Lily có những loài sâu hại điển hình là rệp xanh đen, rệp bông và sâu khoang, sâu xanh, sâu xám. Rệp thường hút nhựa, chất dinh dưỡng làm cây hoa bị còi cọc, ngon quăn queo, nụ thui chột, hoa không nở, cánh xoăn và dị dạng. Sâu hại thường ăn phần thịt lá, toàn bộ lá, nụ và mầm non.

Lúc này, biện pháp hiệu quả nhất để xử lý những “vị khách không mời mà đến” là dùng thuốc trừ sâu. Bạn cần nhanh chóng phát hiện và phun vì khả năng phá hoại của các loài này rất nhanh.

Một biện pháp được nhiều nhà nông sử dụng để phòng bệnh là trồng hoa trong nhà lưới. Trồng trong nhà vừa hạn chế được sâu hại, vừa ngăn chặn được tác động tiêu cực như mưa bão sương giá, mưa axit của môi trường.

Bên cạnh sâu hại, nấm bệnh cũng là tác nhân khiến cây hoa chất lượng kém. Một số loại bệnh thường gặp khi trồng Lily là gốc mốc trắng, bệnh thối hạch đen, bệnh thối củ. Biện pháp để phòng trừ nấm bệnh là xử lý đất thật tốt trước khi trồng và luân canh trồng trọt.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa Lily đã được chúng tôi giới thiệu chi tiết qua nội dung ở trên. Trồng Lily nói riêng, trồng hoa nói chung cần đầu tư nhiều về thời gian và kỹ thuật để cho chất lượng tốt nhất. Hy vọng với những chia sẻ ở trên, bạn có thể trồng được Lily phục vụ ngày tết sắp tới.